Áp dụng công nghệ tiến tiến FMS (hệ thống sản xuất linh hoạt), Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt đã nghiên cứu, thiết kế thành công dây chuyền sản xuất nhà thép nhẹ tiền chế. Cách làm này giảm 30% thời gian thi công và 70% nhân lực so với cách truyền thống khi xây dựng một ngôi nhà dân dụng.
Đây cũng là kết quả của Dự án “Hoàn thiện thiết kế, chế tạo dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế” thuộc Chương trình nghiên cứu, đào tạo và xây dựng hạ tầng kỹ thuật công nghệ cao (Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020).
Nhà thép nhẹ tiền chế là nhà được xây dựng bằng phương pháp thi công mới không sử dụng hàn để cố định các cấu kiện. Các cấu kiện làm từ kết cấu thép nhẹ thành mỏng được tạo hình bằng phương pháp gia công nguội (dập, cán nguội…) từ các tấm thép mạ kẽm có chiều dày nhỏ hơn 4mm, cho phép liên kết bằng bulong mà không cần hàn.
Hiện nay, nhà thép tiền chế truyền thống (ghép hàn) dần được thay thế bởi nhà thép nhẹ tiền chế áp dụng công nghệ FMS (ghép bulong) với những tính năng vượt trội về lợi ích kinh tế và vệ sinh môi trường. Đó là giảm lượng thép từ 15 – 20%, giảm thời gian chế tạo và lắp ráp, hình dạng tiết diện đa dạng theo từng yêu cầu, không cần đầu tư nền móng kiên cố, công nghệ sản xuất không sinh nhiệt, không có sản phẩm thừa, chống mối, mọt, hạn chế cháy nổ,…
Khung nhà thép nhẹ tiền chế nhiều tầng
KS. Nguyễn Tính, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển công nghệ Việt (Công ty TNHH Máy và sản phẩm Thép Việt), cho biết, những năm gần đây, việc xây dựng nhà thép tiền chế đã được áp dụng rộng rãi ở các công trình xây dựng có quy mô tương đối lớn và đa dạng ở Việt Nam. Tuy nhiên, quá trình từ thiết kế, sản xuất, đến thi công lắp ráp là những công đoạn rời rạc và không liên tục. Các công trình được xây dựng thường là những công trình lớn với diện tích trên 1000 m2. Các công trình nhỏ hơn thường ít được chú ý do sản xuất số lượng ít hoặc đơn chiếc sẽ làm giá thành đội lên khá cao. Hiện Việt Nam đã có nhiều nhà sản xuất và lắp ráp khung nhà thép tiền chế với quy mô lớn, nhưng hầu như chưa có doanh nghiệp nào áp dụng FMS vào công nghệ sản xuất.
Dây chuyển sản xuất linh hoạt kêt cấu nhà thép nhẹ tiền chế FMS là một chuỗi các thiết bị, cụm thiết bị được thiết kế theo mô-đun, kết nối với nhau và được điều kiển bằng bộ điều khiển trung tâm. Khi sản phẩm đầu ra thay đổi thì bộ điều khiển sẽ tự động thay đổi các thông số của các mô-đun trong dây chuyền để đáp ứng được yêu cầu đầu ra của sản phẩm.
Một trong những bộ phận của dây chuyền sản xuất kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế
Với FMS, quy trình thiết kế và sản xuất được tích hợp chung trong cùng hệ thống. Dây chuyền tự động nhận lệnh sản xuất từ hệ thống máy chủ, nhập liệu, thay đổi quy cách, xác định chiều dài cắt và quy cách đột lỗ ma trận, in mã số trực tiếp lên sản phẩm… Người thi công chỉ cần nhìn mã in trên từng sản phẩm để kết nối chúng lại theo bản thiết kế.
Theo ông Tính, cách làm này giúp giảm 30% thời gian, 60 – 70% nhân lực thi công các công đoạn xây dựng nhà dân dụng. Giá thành dây chuyền sản xuất linh hoạt kết cấu nhà thép nhẹ tiền chế cho nhà công nghiệp và dân dụng giảm gần 50% so với nhập ngoại.
Ông Kiều Huỳnh Sơn, Chủ nhiệm đề án, Giám đốc Công ty TNHH Máy và Sản phẩm Thép Việt, cho biết thêm, trong giai đoạn thực hiện dự án, Công ty đã chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong và ngoài nước với giá trị sản phẩm đạt 1,5 triệu USD. “Qua quá trình thực hiện dự án, doanh thu của doanh nghiệp cũng tăng hơn 20% , tạo ra nhiều việc làm và tăng thu nhập cho người lao động. Bên cạnh đó, việc thực hiện dự án còn góp phần nâng cao năng lực và khả năng làm chủ, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất của các kỹ sư của Công ty” – ông Sơn chia sẻ.
Hiện nay, Công ty đang phát triển hai dòng sản phẩm mới là LightShed (dây chuyền sản xuất kết cấu nhà thép nhẹ dành cho nhà công nghiệp) và Lightframe (dành cho nhà dân dụng) ứng dụng trực tiếp từ kết quả nghiên cứu của dự án.
Theo Báo Khoa Học