Bất động sản công nghiệp Việt Nam hấp dẫn nhà đầu tư quốc tế

Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam sẽ diễn ra vào ngày 19/6 tại Hà Nội. Diễn đàn sẽ là nơi trao đổi, kết nối thông tin, đưa giải pháp giúp các nhà đầu tư nắm bắt cơ hội vàng của thị trường bất động sản công nghiệp Việt Nam giai đoạn 2020 – 2022.

Đầu năm 2020, dù chịu ảnh hưởng của đại dịch viêm đường hô hấp cấp Covid-19, nhưng bất động sản công nghiệp được đánh giá là phân khúc có nhiều cửa sáng và đang tỏa sức “nóng”, trở thành lựa chọn mới, đầy hấp dẫn cho các nhà đầu tư, đặc biệt là cá nhà đầu tư quốc tế.

Theo ông Nguyễn Trần Nam, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản Việt Nam, đồng Trưởng ban tổ chức, bất động sản công nghiệp Việt Nam đang tạo dựng niềm tin mạnh mẽ về sự tăng trưởng trong mắt nhà đầu tư quốc tế. Cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đây sẽ trở thành phân khúc có đà phát triển rất tốt.

Theo các chuyên gia, 3 yếu tố chính đem đến cơ hội lớn cho Việt Nam và mở ra cơ hội vàng cho bất động sản công nghiệp:

Thứ nhất, Hiệp định thương mại tự do Liên minh châu Âu – Việt Nam (EVFTA) dự kiến có hiệu lực trong tháng 7/2020, tạo sức hấp dẫn không chỉ với các nhà đầu tư châu Âu mà còn với các nhà đầu tư ở nhiều quốc gia khác.

Thứ hai, do dịch Covid-19, kế hoạch rời Trung Quốc của nhiều tập đoàn đa quốc gia triển khai sớm hơn dự kiến, tiêu chí là đảm bảo vẫn giữ được thị trường 1,4 tỷ dân này. Và với lợi thế gần Trung Quốc về mặt địa lý – Việt Nam dễ dàng được lựa chọn.

Thứ ba, việc kiểm soát dịch bệnh của Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là lực kéo quan trọng để thu hút nhiều hơn nguồn vốn ngoại vào Việt Nam sau đại dịch.

Chính bởi vậy, dù thị trường chịu nhiều ảnh hưởng của đại dịch nhưng nhu cầu thuê đất khu công nghiệp trong những tháng đầu năm tại Việt Nam vẫn ở mức cao.

Tham gia Diễn đàn Bất động sản công nghiệp Việt Nam diễn ra vào ngày 19/6 tới đây, doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ có cơ hội tiếp xúc và tìm hiểu thông tin của hơn 1.000 dự án kêu gọi đầu tư có sử dụng đất trên toàn quốc; bàn thông tin xúc tiến đầu tư của các khu công nghiệp và địa phương; các phân tích chuyên sâu và dự báo thị trường của các chuyên gia kinh tế.

Diễn đàn lần này cũng hướng tới đồng hành cùng nhiều tổ chức, địa phương, doanh nghiệp, nhà đầu tư để tạo động lực thúc đẩy sự phát triển cho thị trường, góp phần đưa kinh tế Việt Nam sớm vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra.

Theo báo cáo của Vụ quản lý khu kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến cuối tháng 3/2020, cả nước có 335 khu công nghiệp được thành lập, trong đó có 260 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động và 75 khu đang xây dựng.

Hiện nay, 8 yếu tố thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào địa phương bao gồm: (1)- Môi trường chính trị quốc gia và an ninh tại địa phương; (2)- Vị trí địa lý của Việt Nam, của địa phương; (3)- Các hiệp định thương mại; (4)- Cơ sở hạ tầng của khu công nghiệp và của địa phương; (5) – Chất lượng nguồn nhân lực của địa phương (nguồn lao động Việt Nam đang trong độ tuổi vàng trong tổng 96,3 triệu dân); (6)- Môi trường đầu tư và chất lượng dịch vụ công của địa phương; (7) – Liên kết vùng của địa phương và (8) -Thương hiệu địa phương

Theo TGVN